Lễ hội Gióng – Hà Nội [6 – 12/4 AL]
Hiện nay, rất nhiều khu vực ở Bắc bộ thờ phụng và tổ chức lễ thường niên tưởng nhớ Đức Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng. Tiêu biểu có thể kể đến: làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) nơi Đức Thánh Gióng ra đời, Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nơi Thánh Gióng hóa thân…
Và vào tháng 4 âm lịch, cụ thể là từ ngày 6 đến ngày 12, lễ hội Gióng sẽ được tổ chức tại làng Phù Đổng (tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), với những nét đặc sắc văn hóa dân tộc đã được gìn giữ và lưu truyền cho đến tận ngày hôm nay.
Hội Gióng và những nét đặc sắc văn hóa dân tộc đã được gìn giữ và lưu truyền cho đến tận ngày hôm nay. @zing.vn
Lễ hội Gióng là một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam mở đầu với lễ tế thánh, lễ rước cờ từ đền Mẫu về đền Thượng với sự tham gia của hàng trăm người dân địa phương và cả du khách, người phương xa về tụ hội, thể hiện sức mạnh của đội quân Thánh Gióng và lòng đoàn kết của dân tộc. Và nghi thức lễ rước này sẽ diễn ra vào chính ngọ (giữa trưa) chứ không thực hiện vào buổi sáng như ở các lễ hội thông thường.
Nghi thức rước trong hội Gióng. @Internet
Sau nghi thức rước sẽ là hoạt động “đánh cờ” như một cách tái hiện và phục dựng trận chiến lúc xưa của Thánh Gióng và giặc Ân, bao gồm ba trận với hai hội trận ở bãi Đống Đàm và Soi Bia. Hai hội trận này tập trung tái hiện hình ảnh đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc Ân và giành chiến thắng. Đội binh sẽ gồm có: phường Áo đỏ, hai ông hiệu Tiểu cổ, phường Áo đen, ông Hổ, ông hiệu Chiêng, hiệu Trống, hiệu Trung Quân.
Màn “đánh cờ” thứ ba kết thúc cũng đồng nghĩa quân ta đã thắng lợi, các tướng giặc rời kiệu xin hàng. Đội quân Thánh Gióng trở về đền Thượng mở tiệc khao quân, mừng chiến thắng.
Hội Gióng chính là hoạt động lưu truyền và chứa đựng rất nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc. @Internet
Bên cạnh nghi lễ truyền thống, Hội Gióng làng Phù Đổng còn thường có tổ chức các chương trình văn nghệ Tuồng, Chèo, Cải Lương..., các trò chơi dân gian và hoạt động thể thao, tiêu biểu là cờ tướng. Năm 2011 lễ hội Gióng đã chính thức được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.